Phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu nổi tiếng

1.Tìm hiểu chung về nhãn hiệu nổi tiếng

   1.1 Khái  niệm : Căn cứ theo khoản 20 điều 4 Luật SHTT thì nhãn hiệu nổi tiếng được hiểu như sau : 

   “Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi  trên toàn lãnh thổ Việt Nam”.

Theo đó, nhãn hiệu nổi tiếng phải là nhãn hiệu đã được đưa ra trên phạm vi rộng là trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Điều này cũng có nghĩa là nếu một nhãn hiệu  rất nổi tiếng trên thế giới, tuy nhiên nếu người tiêu dùng Việt Nam không biết đến, thì nhãn hiệu này chưa được coi là nổi tiếng theo quy định của pháp luật Việt Nam.

  1.2 Tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam :

Các tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng bao gồm (Điều 75) :

– Số lượng người tiêu dùng liên quan đã biết đến nhãn hiệu thông qua việc mua bán, sử dụng hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc thông qua quảng cáo;

  – Phạm vi lãnh thổ mà hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được lưu hành;

  – Doanh số từ việc bán hàng hoá hoặc cung cấp dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc số lượng hàng hoá đã được bán ra, lượng dịch vụ đã được cung cấp;

  – Thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu;

  – Uy tín rộng rãi của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu;

  – Số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu;

  – Số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng;

– Giá chuyển nhượng, giá chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu.

2, Phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu nổi tiếng

Phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu nổi tiếng rộng hơn nhãn hiệu thông thường rất nhiều và bao trùm lên cả các hàng hóa, dịch vụ không cùng loại. Mọi hành vi sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hóa hoặc dịch vụ bất kỳ, dịch vụ không cùng loại, không tương tự, không liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng đều bị coi là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng (Điểm d Khoản 1 Điều 129 Luật sở hữu trí tuệ 2005).

Chủ nhãn hiệu nổi tiếng có quyền phản đối việc đăng ký hoặc yêu cầu hủy bỏ hiệu lực các Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với các nhãn hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu nổi tiếng của mình, kể cả trong trường hợp nhãn hiệu đăng ký cho các hàng hóa, dịch vụ không trùng hoặc không tương tự.

Bên cạnh đó, chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp chống lại các hành vi như: sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng; sử dụng dấu hiệu dưới dạng định nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu đó cho hàng hóa, dịch vụ không cùng loại,…….Những hành vi trên gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.

3.Thời hạn bảo hộ của nhãn hiệu nổi tiếng

Thời hạn bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng được xác định như sau:

     Về nguyên tắc, thời hạn bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng là thời hạn của Giấy chứng nhận đăng ký; theo quy định của pháp luật hiện hành, đó là 10 năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp không hạn chế, mỗi lần gia hạn là 10 năm (Khoản 6 Điều 93 Luật sở hữu trí tuệ 2005).

     Tuy nhiên, pháp luật đã dành cho nhãn hiệu nổi tiếng một ưu đãi đặc biệt: Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ vô thời hạn tính từ ngày nhãn hiệu được công nhận là nổi tiếng ghi trong quyết định công nhận nhãn hiệu nổi tiếng. Tuy vậy, cũng không loại trừ trường hợp một nhãn hiệu nổi tiếng sẽ không còn được bảo hộ khi nhãn hiệu không còn nổi tiếng nữa.

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *