Những câu hỏi thường gặp về tính “mới” của kiểu dáng công nghiệp

Để được bảo hộ như là một đối tượng của kiểu dáng công nghiệp trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, Điều 63 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định, kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ nếu đáp ứng được các điều kiện: (1) có tính mới; (2) có tính sáng tạo; và (3) có khả năng áp dụng công nghiệp.

Trong các điều kiện trên, điều kiện gây tranh cãi và khó xác định nhất chính là tính “mới” của kiểu dáng công nghiệp.

Hiểu thế nào là kiểu dáng công nghiệp đáp ứng được tính “mới” ?

Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính “mới” nếu kiểu dáng công nghiệp đó khác biệt đáng kể với những kiểu dáng công nghiệp đã bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên.

Kiểu dáng của sản phẩm đã được bộc lộ nước ngoài, nhưng chưa từng được bộc lộ tại Việt Nam, vậy kiểu dáng đó có đảm bảo được tính “mới” không ?

Quy định về tính “mới” của kiểu dáng công nghiệp khá nghiêm ngặt, bởi lẽ vấn đề bản quyền là vấn đề nhức nhối và vấn đề vi phạm bản quyền xảy ra thường xuyên, đặc biệt là tại các quốc gia có nền pháp lý “yếu” như Việt Nam, vì vậy dù kiểu dáng của sản phẩm mới chỉ được bộc lộ ở nước ngoài, chưa từng được bộc lộ ở Việt Nam, nhưng vẫn bị coi là không còn đảm bảo được tính “mới” nữa.

Sản phẩm được đưa ra để thử nghiệm có còn bảo đảm được tính “mới” không ?

Sản phẩm được đưa ra để thử nghiệm sẽ chỉ được coi là đảm bảo tính “mới” nếu đáp ứng được các điều kiện sau:

– Được biết đến bởi một số lượng hữu hạn người cần biết để thử nghiệm sản phẩm.

– Sản phẩm không bị những người này tiết lộ ra bên ngoài thông qua các ảnh chụp, các văn bản, tài liệu khác.

Có ngoại lệ nào về một kiểu dáng công nghiệp đã được bộc lộ nhưng vẫn được coi là đáp ứng yêu cầu về tính “mới” không ?

Có hai trường hợp ngoại lệ đối với tính “mới” của kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm:

Một là kiểu dáng công nghiệp đó được bộc lộ dưới dạng một báo cáo khoa học.

Hai là kiểu dáng công nghiệp đó được bộc lộ trong một cuộc triển lãm chính thức được công nhận. Một cuộc triển lãm chính thức được công nhận là một cuộc triển lãm do Chính phủ tổ chức hoặc do Chính phủ phối hợp tổ chức.

Kiểu dáng công nghiệp vô tình lọt vào ảnh selfie trên facebook, kiểu dáng của sản phẩm đó có còn đáp ứng được tính “mới” không ?

Câu trả lời là “không”, dù là vô tình hay không, được bộc lộ dưới bất kỳ hình thức nào đi chăng nữa (trừ hai trường hợp ngoại lệ ở trên), thì kiểu dáng công nghiệp đó sẽ không còn được coi là có tính “mới” nữa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *