Đăng ký sáng chế công thức sản phẩm

Trước đây tôi đã từng biết đến một sản phẩm thực phẩm chức năng do nước ngoài sản xuất nhưng với giá thành rất cao. Nay tôi nghiên cứu và chế biến thành công sản phẩm tương tự như vậy ở Việt Nam với giá thành thấp hơn do có nguồn nguyên liệu giá rẻ và phương pháp chế biến mới. Tôi có thể đăng ký sáng chế cho sản phẩm của mình được không?

Ý kiến tư vấn:

Theo quy định pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, sáng chế là một giải pháp kỹ thuật (có thể dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình hoặc kết hợp cả hai), do con người tạo ra để phục vụ cho đời sống.

Một giải pháp kỹ thuật có thể được bảo hộ độc quyền sáng chế nếu đáp ứng các điều kiện tiêu chuẩn sau:

– Tính mới: Chưa bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn đăng ký;

– Tính sáng tạo: Sáng chế là một bước tiến sáng tạo, không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng;

– Khả năng áp dụng công nghiệp: Có thể thực hiện được việc chế tạo, sản xuất hàng loạt sản phẩm hoặc áp dụng lặp đi lặp lại quy trình là nội dung của sáng chế và thu được kết quả ổn định.

Lưu ý: Nếu giải pháp không đáp ứng điều kiện về tính sáng tạo thì có thể được bảo hộ là Giải pháp hữu ích.

Cụ thể, các tiêu chuẩn được phân tích cụ thể như sau:

1. Tính mới:

– Sáng chế được coi là có tính mới nếu chưa bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế hoặc trước ngày ưu tiên trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên.

– Sáng chế được coi là chưa bị bộc lộ công khai nếu chỉ có một số người có hạn được biết và có nghĩa vụ giữ bí mật về sáng chế đó.

– Sáng chế không bị coi là mất tính mới nếu được công bố trong các trường hợp sau đây với điều kiện đơn đăng ký sáng chế được nộp trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày công bố:

   + Sáng chế bị người khác công bố nhưng không được phép của người có quyền đăng ký

   + Sáng chế được người có quyền đăng ký công bố dưới dạng báo cáo khoa học;

   + Sáng chế được người có quyền đăng ký trưng bày tại cuộc triển lãm quốc gia của Việt Nam hoặc tại cuộc triển lãm quốc tế chính thức hoặc được thừa nhận là chính thức.

2. Trình độ sáng tạo:

Sáng chế được coi là có trình độ sáng tạo nếu căn cứ vào các giải pháp kỹ thuật đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc dưới bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên, sáng chế đó là một bước tiến sáng tạo, không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng.

3. Khả năng áp dụng công nghiệp:

Sáng chế được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể thực hiện được việc chế tạo, sản xuất hàng loạt sản phẩm hoặc áp dụng lặp đi lặp lại quy trình là nội dung của sáng chế và thu được kết quả ổn định.

Như vậy, anh/chị có thể đối chiếu tính chất của sản phẩm và phương pháp mình nghiên cứu thành công với những đặc điểm nêu trên của sáng chế để xem xét khả năng được bảo hộ dưới hình thức sáng chế.

Thủ tục đăng ký bảo hộ sáng chế được thực hiện như sau:

a. Trình tự thực hiện:

– Tiếp nhận đơn: Đơn đăng ký có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc 2 Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

– Thẩm định hình thức đơn: Kiểm tra việc tuân thủ các quy định về hình thức đối với đơn, từ đó đưa ra kết luận đơn có được coi là hợp lệ hay không.

– Ra thông báo chấp nhận/từ chối chấp nhận đơn:

   + Trường hợp đơn hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra thông báo chấp nhận đơn;

   + Trường hợp đơn không hợp lệ, Cục sẽ ra thông báo từ chối chấp nhận đơn.

– Công bố đơn: Đơn được coi là hợp lệ sẽ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.

– Thẩm định nội dung đơn:

   + Được tiến hành khi có yêu cầu thẩm định nội dung;

   + Đánh giá khả năng được bảo hộ của đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ (tính mới, trình độ sáng tạo, khả năng áp dụng công nghiệp), qua đó xác định phạm vi bảo hộ tương ứng.

– Ra quyết định cấp/từ chối cấp văn bằng bảo hộ:

  + Nếu đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ;

  + Nếu đối tượng nêu trong đơn đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, và người nộp đơn nộp lệ phí đầy đủ thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp, và công bố trên Công báo Sở hữu trí tuệ.

c. Cách thức thực hiện:

– Trực tiếp tại trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc 2 Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

– Qua bưu điện.

d. Thành phần, số lượng hồ sơ:

– Thành phần hồ sơ, bao gồm:

   + Tờ khai (02 bản theo mẫu);

   + Bản mô tả (02 bản, bao gồm cả hình vẽ, nếu có);

   + Yêu cầu bảo hộ (02 bản);

   + Các tài liệu có liên quan (nếu có);

   + Chứng từ nộp phí, lệ phí.

– Số lượng hồ sơ: 01 (bộ).

e. Thời hạn giải quyết:

– Thẩm định hình thức: 01 tháng từ ngày nhận đơn;

– Công bố đơn: 18 tháng kể từ ngày ưu tiên hoặc tháng thứ 2 từ ngày có yêu cầu thẩm định nội dung;

– Thẩm định nội dung: 12 tháng từ ngày có yêu cầu thẩm định nội dung hoặc ngày công bố.

g. Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Cục Sở hữu trí tuệ.

h. Kết quả thực hiện thủ tục hành chính:

– Quyết định cấp/từ chối cấp văn bằng bảo hộ.

Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *